Pages

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Nguồn gốc và ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Đây là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chính vì thế, Tết Nguyên Đán (hay còn được gọi là Tết cổ truyền) có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, sâu sắc đối với người con dân đất Việt.



Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán



Nói về nguồn gốc của Tết Nguyên Đán thì hiện nay vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi, một số thông tin cho rằng Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Theo một tích khác thì người Việt đã có tục ăn Tết từ thời vua Hùng (trong sự tích "Bánh chưng bánh dày") tức là trước 1000 năm Bắc thuộc. Trước thời Tham Hoàng Ngũ Đế, Khổng Tử cũng đã từng viết: "Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó"...Như vậy có thể thấy rằng, Tết Nguyên Đán là truyền thống có từ rất lâu đời và chưa chắc đã bắt nguồn từ Trung Hoa.







Có lẽ cũng bởi vì thế mà trong tiềm thức của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người. Do âm lịch của Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch nhau nên Tết Nguyên Đán của người Việt có thể không trùng với Tết của người Trung.



Ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam



Xét ở góc độ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên thì Tết Nguyên Đán đã tạo sự giao hòa giữa trời đất, con người, với thần linh. Vì thế đây là dịp quan trọng để những người nông dân cảm tạ đến thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Mặt Trời...những vị thần đã đem đến một mùa màng bội thu. Đồng thời họ cũng không quên sự giúp đỡ của vật nuôi, gia súc, gia cầm đã ngày đêm hăng say làm việc, trở thành công cụ giúp người nông dân trong công tác sản xuất, trồng trọt.



Dù làm gì, ở bất cứ đâu thì mỗi khi tết đến xuân về, người Viêt đều mong được trở về tổ ấm của mình để được sum họp gia đình, được khấn tổ tiên, thăm viếng mộ của những người đã khuất...và được sống lại với ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của mình. "Về quê ăn tết" không phải là một hành động thông thường mà nó chứa đựng biết bao cảm xúc, tình cảm của người con đất Việt đối với quê hương, cội nguồn của mình.



Lúc giao thừa- thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình thường dâng mâm cơm cúng đã chuẩn bị từ trước lên thắp hương tổ tiên bằng tất cả lòng thành kính. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là vị trí rất quan trọng, thể hiện sự giao thoa giữa con người với thần linh. Bàn thờ ngày Tết thường được trang trí rất cẩn thận, kỹ lưỡng với những mâm ngũ quả, những món ăn ngon đặt trưng theo từng vùng miền.



Người Việt thường rất quan tâm đến chuyện hương khói trên bàn thờ gia tiên. Những ngày đầu năm mới, trên bàn thờ lúc nào cũng phải thắp hương để tạo cảm giác ấm cúng, thân mật cho gia đình. Để sau khi Tết Nguyên Đán qua đi, con người quay về với công việc thường nhật của mình thì tình cảm thiêng liêng của gia đình sẽ là nguồn sức mạnh để họ tiến đến một cuộc sống tương lai thành công hơn.



Người Việt cũng tin rằng, "đầu xuôi đuôi lọt", nếu ngày khởi đầu của năm mới mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì trong năm cũng sẽ gặp được nhiều may mắn, thuận lợi. Năm cũ đã qua đi sẽ mang theo những chuyện buồn phiền của quá khứ, con người sẽ hướng về tương lai với cái nhìn lạc quan, tích cực hơn. Với ý nghĩa này, Tết Nguyên Đán còn là ngày của niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng.



là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người đều gác lại tất cả công việc để có cơ hội cùng người thân, bạn bè hàn huyên, ôn lại kỉ niệm cũ và nói về những dự định trong tương lai của mình. Cùng chúc nhau những lời chúc ý nghĩa, trao đi tình yêu thương, niềm vui hân hoan để nhận lại sự may mắn, bình yên.



Tết cũng được coi là sinh nhật của tất cả mọi người, vì ai cũng được thêm một tuổi mới, được nghe những lời chúc ý nghĩa từ những người thân yêu. Trẻ nhỏ bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ bằng cách chăm ngoan nghe lời, dành những lời chúc tốt đẹp đến bề trên. Người lớn thì thường mừng tuổi cho trẻ nhỏ để bé hay ăn chóng lớn, sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn, thành công trong học tập.



Những việc thường làm để chuẩn bị đón một năm mới đó là dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, sắm sửa đồ đạc mới...từ người già cho đến trẻ nhỏ đều hân hoan vui mừng làm công việc của mình. Ngoài ra, những công tác chuẩn bị khác như gói bánh chưng, bánh tét...cũng được tiến hành rất cẩn thận. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình gắn kết với  nhau nhiều hơn sau những lo toan, bộn bề của một năm.  Cùng nhau ngồi trò chuyện dưới bếp lửa bập bùng của nồi bánh, cùng nhau quét dọn nhà cửa, cùng nhau đi tảo mộ mời ông bà tổ tiên về ăn tết...Tất cả những hành động nhỏ ấy đã tạo nên một nét đẹp trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Shop Chuyên Bán Đồ Phong Thủy - Điện Thoại Cổ - Kính Mắt - Giao Hàng Toàn Quốc



 
------------------- ---------------------------